23 Tháng Mười Một, 2024

Những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

ngôn ngữ sinh hoạt là gì

Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì? Đây là kiến thức cơ bản về văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin về ngôn ngữ sinh hoạt để nắm rõ hơn.

Mục Lục

Ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Ngôn ngữ sinh hoạt còn được gọi là khẩu ngữ, ngôn ngữ hội thoại, ngôn ngữ nói… Đây là dạng thức hoạt động của ngôn ngữ, chủ yếu ở hình thức nói và được dùng để giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày.

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày dùng để trao đổi thông tin, suy nghĩ, tình cảm… nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Giao tiếp với tư cách cá nhân nhằm để trao đổi tư tưởng, tình cảm với người thân, bạn bè… và không mang tính nghi thức.

ngôn ngữ sinh hoạt là gìNhững đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Xem thêm: Những đặc trưng của ngôn ngữ báo chí là gì?

Các dạng biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Hình thức tồn tại của ngôn ngữ sinh hoạt: Dạng nói (đối thoại, đàm thoại, độc thoại) và dạng viết (thư từ, nhật ký, tin nhắn điện thoại, truyện trò trên mạng xã hội…).

Trong các tác phẩm văn học có dạng lời nói tái hiện, tức là mô phỏng lời thoại tự nhiên như kịch, chèo, tuồng, truyện, tiểu thuyết… Khi tái hiện lời nói tự nhiên đã phần nào được biến đổi theo thể loại văn bản và ý định của người sáng tác. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nói hay viết, tái hiện hay sáng tạo thì ngôn ngữ sinh hoạt vẫn là những lời ăn tiếng nói hàng ngày chưa được gọt giũa.

Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Tính cụ thể

Đặc trưng đầu tiên của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cụ thể. Đó là sự cụ thể về hoàn cảnh, con người và cách nói năng, dùng từ ngữ diễn đạt.

Tính cụ thể được biểu hiện ở các mặt sau đây:

+ Có địa điểm và thời gian cụ thể.

+ Có người nghe cụ thể.

+ Có người nói cụ thể.

+ Có cách diễn đạt cụ thể.

+ Có đích lời nói cụ thể.

Tính cá thể

Một đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cá thể. Bởi lời nói là vẻ mặt và diện mạo thứ hai của con người để phân biệt người này với người khác, người quen hay người lạ, thậm chí phân biệt người tốt với người xấu.

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, ngoài giọng nói thì cách dùng từ ngữ, lựa chọn kiểu câu của mỗi người cũng thể hiện tính cá thể. Bên cạnh đó, mỗi người thường có vốn từ ngữ ưa dùng riêng, có những cách nói riêng… Qua giọng nói, từ ngữ và cách nói quen dùng, chúng ta có thể biết được lời nói đó của ai và còn đoán biết tuổi tác, giới tính, cá tính, địa phương… của người đó.

Tính cảm xúc

Dấu hiệu đặc trưng khác của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cảm xúc. Bởi không một lời nói nào nói ra lại không mang cảm xúc cả.

Tính cảm xúc gắn liền với một thái độ, tình cảm biểu hiện:

+ Lời nói biểu hiện tình cảm, thái độ qua giọng điệu (thân mật, yêu thương, trìu mến, quát nạt hay giục giã).

+ Loại câu giàu sắc thái biểu cảm (cầu khiến, cảm thán, gọi, đáp, trách mắng).

+ Những từ ngữ có tính khẩu ngữ tăng thêm cảm xúc (gì, gớm, chết thôi, lạch bà lạch bạch).

ngôn ngữ sinh hoạt là gìNhững đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Xem thêm: Tìm hiểu thông tin thú vị về ngôn ngữ cơ thể là gì?

Một số ví dụ phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Ví dụ 1

Hỡi cô yếm trắng lòa xòa,

Lại đây đập đất trồng cà với anh.

=> Dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong câu ca dao này là cách xưng hô thân mật cô – anh. Bên cạnh đó còn có các từ ngữ nôm na, giản dị, gần với đời sống sinh hoạt hàng ngày đó là “đập đất trồng cà” và “yếm trắng lòa xòa”.

Ví dụ 2

Mình về có nhớ ta chăng,

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

=> Dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong câu ca dao này là các từ xưng hô mình – ta. Đây là cách xưng hô thân mật và thường được dùng trong khẩu ngữ.

Ví dụ 3

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn, mép ba lô,

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng,

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

=> Mặc dù đoạn thơ trên thuộc văn bản nghệ thuật nhưng có một số chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt như:

+ Về nội dung: Đoạn thơ thuật lại cảnh sinh hoạt thân mật, gần gũi hằng ngày của một đơn vị bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

+ Có một đoạn hội thoại giữa những người lính, họ dùng những từ xưng hô thân mật, suồng sã và dùng từ địa phương, từ khẩu ngữ (tớ, đằng nớ…).

+ Những hình ảnh, chi tiết trong sự việc rất cụ thể (nắng mưa sờn mép ba lô, nằm trên dốc nắng, nghỉ lại lưng đèo, quờ chân tìm hơi ấm, kỳ hộ lưng nhau…).

Ví dụ 4

Ông Năm Hên đáp:

– Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao sấu đó. Có vậy thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi không có tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không màng thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tui. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười năm về trước. Sau được tin cho hay: Ảnh bị sấu ở Ngã ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Đầm Sấu, Lung Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua mới đặt tên như vậy, cũng như Phá Tam Giang, Truông nhà Hồ của mình, ngoài Huế.

(Theo Sơn Nam, Bắt sấu rừng U Minh Hạ)

=> Trong đoạn trích trên, ngôn ngữ sinh hoạt biểu hiện dưới dạng viết của tác phẩm văn học để tái hiện cuộc hội thoại về việc đi bắt cá sấu:

+ Việc dùng từ ngữ ở đoạn văn này khá tự nhiên, nhuần nhị, in đậm sắc thái ngôn ngữ của vùng sông rạch đồng bằng sông Cửu Long ở cực Nam của Tổ quốc.

+ Đây là ngôn ngữ của người đứng tuổi, từng trải trong nghề bắt cá sấu, có nét dân dã, bình dị: Có vậy thôi, bà con cứ tin tôi, là xong chuyện, rượt, ngặt, miệt, cực lòng, phú quới, không nói cá sấu mà nói sấu, với Sấu lợn, Đầu Sấu, Lưng Sấu, … Nhờ vậy, lời nói nhân vật sinh động và mang đậm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Hy vọng với những thông tin trong bài viết cùng ví dụ minh họa cụ thể đã giúp bạn đọc hiểu về các đặc trưng của ngôn ngữ sinh hoạt là gì.

Facebook Comments
Rate this post